HiPT là một trong 10 Doanh nghiệp Giải pháp phần mềm và Tích hợp hệ thống uy tín nhất năm 2018
Ngày 10/07/2018, Vietnam Report phối hợp cùng VietNamNet đồng công bố Top Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam uy tín năm 2018 – những doanh nghiệp được kỳ vọng giữ vai trò tiên phong giúp nền kinh tế Việt Nam tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Uy tín của các doanh nghiệp công nghệ được đánh giá lượng hóa một cách khách quan và độc lập, căn cứ theo kết quả đánh giá tài chính doanh nghiệp, đánh giá uy tín doanh nghiệp trên truyền thông bằng phương pháp media coding, khảo sát các chuyên gia ngành công nghệ và các công ty trong ngành, được công bố theo 2 Danh sách: Top 5 Doanh nghiệp công nghệ thông tin – viễn thông uy tín và Top 10 Doanh nghiệp giải pháp phần mềm và tích hợp hệ thống uy tín.
Danh sách 1: Top 5 Doanh nghiệp Công nghệ thông tin – Viễn thông uy tín năm 2018
Danh sách 2: Top 10 Doanh nghiệp Giải pháp phần mềm và tích hợp hệ thống uy tín năm 2018
Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đang đáp ứng như thế nào với Cách mạng công nghiệp 4.0?
Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đang thể hiện sự chủ động hội nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report nhằm phục vụ việc đánh giá và xây dựng danh sách Top Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam uy tín năm 2018, trong đó, các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam đang ưu tiên đầu tư vào 5 công nghệ cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0: IoT (Internet vạn vật kết nối), Big Data (Phân tích dữ liệu lớn), AI (Trí tuệ nhân tạo), Cloud Computing (Điện toán đám mây) và Blockchain (Khối chuỗi).
Đồng thời, các chuyên gia công nghệ tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng hai công nghệ Big Data và Cloud Computing có ảnh hưởng đáng kể đối với hoạt động doanh nghiệp Việt Nam trong 3 năm qua; và IoT, Blockchain, AI sẽ là những ứng dụng tiềm năng phát triển cao trong 3 năm tới.
Hình 1: Top 5 công nghệ đang được các doanh nghiệp ưu tiên đầu tư, ứng dụng cho hoạt động của doanh nghiệp
Đặc biệt, AI (Trí tuệ nhân tạo) được các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đánh giá là xu hướng công nghệ “nóng” nhất hiện nay, tiếp theo xu hướng của công nghệ thế giới. Hơn 50% doanh nghiệp công nghệ tham gia khảo sát cho biết đã và đang đầu tư cho AI trong một số hoạt động của doanh nghiệp và 33% cho biết đang nghiên cứu và dự định đầu tư trong 12 tháng tới. Ứng dụng AI được nhận định có tiềm năng phát triển tại Việt Nam trong giai đoạn 2018 – 2020 là nhận dạng giọng nói, khuôn mặt (78%), phân tích dự báo (67%) và trợ lý ảo (67%).
Hình 2: Doanh nghiệp có đang đầu tư cho AI?
Tuy nhiên, để ngành công nghệ Việt Nam thực sự vươn lên ngang hàng cùng với các nước phát triển trên mặt trận công nghệ, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều thách thức. Theo khảo sát của Vietnam Report từ chính phía nhu cầu của doanh nghiệp và nhận định chuyên gia trong ngành, 3 thách thức lớn nhất hiện nay các doanh nghiệp gặp phải là: Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; Thiếu chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, và Vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ còn lỏng lẻo, chưa có môi trường bảo hộ chặt chẽ cho doanh nghiệp. Trong đó, vấn đề về các chính sách chưa theo kịp các khái niệm mới của cách mạng công nghiệp 4.0 được nhiều doanh nghiệp phần mềm coi là rảo cản lớn nhất đối với sự phát triển doanh nghiệp.
Hình 3: Top 3 khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp trong ngành công nghệ
Hình ảnh CEO, Uy tín của Doanh nghiệp và truyền thông của các Doanh nghiệp Công nghệ
Uy tín trên truyền thông của các doanh nghiệp công nghệ được Vietnam Report nghiên cứu thông qua dữ liệu mã hóa các bài báo trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng như Cafef, VnExpress, VnEconomy, Saigon Times, Vietnam Investment Review… và một số chuyên trang về công nghệ có lượng truy cập cao bao gồm Ictnews, TechTimes Vietnam, PCWorld Vietnam… trong thời gian từ tháng 01/2017 đến tháng 05/2018. Qua đó, thông tin chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin và viễn thông trong top đầu như Viettel, FPT, VNPT, CMC, VNG, chỉ riêng top 5 này đã chiếm 61,2% lượng coding unit mã hóa; đây cũng là các công ty có nhóm chủ đề bao phủ lớn trên truyền thông với số lượng trên 10 nhóm chủ đề (trong tổng số 24 nhóm chủ đề nghiên cứu).
Hình 4: Phần trăm đơn vị mã hóa (coding unit) và lượng chủ đề của top 5 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam uy tín trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin và viễn thông
Đặc biệt, có thể thấy uy tín của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam luôn gắn với uy tín của lãnh đạo doanh nghiệp. Những doanh nghiệp công nghệ cao cũng là các doanh nghiệp có tần suất xuất hiện của lãnh đạo doanh nghiệp rất cao và tích cực trên các kênh truyền thông chính thống.
Hình 5: Các CEO của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam uy tín có tần suất xuất hiện trên truyền thông cao
Tuy nhiên, về tổng quan, sự xuất hiện trên truyền thông của doanh nghiệp công nghệ thông tin, đặc biệt là các doanh nghiệp giải pháp phần mềm và tích hợp hệ thống, còn khá khiêm tốn so với các doanh nghiệp của các ngành khác. Đây là một điểm yếu hạn chế tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam cần phải chủ động hơn trong truyền thông và quản lý danh tiếng của doanh nghiệp mình.
Top Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam uy tín năm 2018 là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông và các điều tra, khảo sát có liên quan.
Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên lý thuyết Agenda Setting về sự tác động của truyền thông đại chúng đến tư duy của cộng đồng và xã hội do 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw công bố vào năm 1968, được Vietnam Report và các đối tác quốc tế hiện thực hóa và áp dụng tại Việt Nam từ năm 2012. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của các công ty công nghệ tại Việt Nam. Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về các công ty được đăng tải trên các kênhtruyền thông có ảnh hưởng: Cafef, VnExpress, VnEconomy, Saigon Times, Vietnam Investment Review… và một số chuyên trang về công nghệ ictnews, TechTimes Vietnam, PCWorld Vietnam… trong thời gian từ tháng 01/2017 đến tháng 05/2018. Tổng số có 1.404 bài báo, với tương ứng 2.710 coding unit (đơn vị mã hóa) được đánh giá theo ở cấp độ câu chuyện (story – level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường … tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo các công ty công nghệ. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5). Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó. |
Nguồn: Vietnam Report