HiPT sẽ cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cho Thừa Thiên – Huế
Ngày 15/6/2011, Tập đoàn HiPT phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức hội thảo “Ứng dụng công nghệ điện toán đám mây trong cơ quan quản lý nhà nước” tại Thành phố Huế. Hội thảo được Bộ Thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT) bảo trợ.
Tại Hội thảo, UBND Tỉnh Thừa thiên – Huế và Tập đoàn HiPT đã ký kết Thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ điện toán đám mây (ĐTĐM) trong các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn Tỉnh. Theo đó, UBND Tỉnh chỉ đạo các sở ban ngành với đầu mối là Sở Thông tin & Truyền thông khảo sát và đánh giá những ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực hành chính công và hạ tầng tại Trung tâm thông tin Dữ liệu điện tử của Tỉnh để chuyển sang môi trường ĐTĐM nhằm giảm đầu tư hạ tầng và thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý nhà nước.
UBND Tỉnh Thừa thiên – Huế và Tập đoàn HiPT ký kết Thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ điện toán đám mây (ĐTĐM) trong các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn Tỉnh.
Tập đoàn HiPT sẽ là nhà cung cấp hạ tầng ĐTĐM phục vụ đào tạo, nghiên cứu và triển khai thí điểm các ứng dụng hành chính công của Tỉnh. HiPT sẽ hợp tác với các Hãng cung cấp công nghệ tư vấn và hỗ trợ UBND Tỉnh Thừa Thiên – Huế lựa chọn phương án triển khai theo mô hình “điện toán đám mây dùng riêng” hoặc sử dụng “dịch vụ điện toán đám mây cộng đồng”.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Bình (Giám đốc Trung tâm Công nghệ ĐTĐM – Tập đoàn HiPT) cho biết: “HiPT hiện là thành viên Hiệp hội Trung tâm dữ liệu mở (ODCA) – Diễn đàn quốc tế về việc xây dựng và cung cấp các chuẩn về Trung tâm dữ liệu và ĐTĐM. Chúng tôi khởi động Chương trình ĐTĐM bằng việc ban hành Chủ trương về ĐTĐM của Tập đoàn và cam kết với Bộ TT&TT về việc triển khai ĐTĐM. HiPT đã đầu tư xây dựng phòng lab về ĐTĐM và dự kiến hoàn thiện vào Quý III/2011 để có thể cung cấp môi trường đào tạo, thử nghiệm cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp sử dụng”.
Thách thức lớn nhất đối với các nhà quản lý CNTT trong các cơ quan chính phủ hiện nay là áp lực cắt giảm chi phí đầu tư, bảo trì và hiện đại hóa ứng dụng CNTT, trong khi yêu cầu về dịch vụ hành chính trực tuyến và yêu cầu bảo mật dữ liệu ngày càng cao. ĐTĐM mở ra một phương pháp quản lý hạ tầng và cung ứng dịch vụ mà theo đó, các tài nguyên và ứng dụng dịch vụ được sử dụng một cách tối ưu để giải quyết các vấn đề nêu trên.
Ông Nguyễn Trọng Đường (Vụ trưởng Vụ CNTT – Bộ TT&TT) khẳng định: “Các doanh nghiệp CNTT lớn, các doanh nghiệp hạ tầng mạng cần đi đầu trong việc phát triển và cung cấp các hệ thống ĐTĐM. Chính phủ luôn có cơ chế ưu đãi và hỗ trợ để các doanh nghiệp phát triển ứng dụng ĐTĐM, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông và internet nhằm mở rộng kết nối và nâng cao chất lượng băng thông”.
Với những ưu thế vượt trội như tiết kiệm chi phí trong khi quy mô triển khai rộng, tối ưu hóa nguồn lực công nghệ sẵn có, tận dụng sức mạnh xử lý nhàn rỗi…, ĐTĐM được kỳ vọng sẽ là giải pháp thích hợp cho những khó khăn mà các nhà quản lý CNTT trong các cơ quan chính phủ đang phải giải quyết.