Viết về người Thầy không đứng trên bục giảng

Trước nay tôi tự “tuyên thệ” rằng, những gì tôi viết ra từ đáy lòng nếu không phải là cô giáo dạy văn thì sẽ chẳng ai đọc được. Tâm tư tình cảm là những thứ thiêng liêng, không dễ phơi bày cho người nọ người kia ngó nghiêng, bàn luận. Thế rồi, lần này, có một điều thôi thúc tôi viết ra để người khác đọc và cùng chia sẻ. Bởi, người đó có ý nghĩa rất lớn đối với sự trưởng thành ngày hôm nay của tôi. Người mà tôi coi như một người Thầy dù chưa từng một ngày đứng trên bục giảng.

Tôi tự cho mình là người may mắn bởi mỗi bước đường đời đều gặp được những người có thể dạy tôi những bài học mà trường lớp, sách vở chưa thể dạy hết. Đến khi đi làm, may mắn ấy vẫn tiếp tục đồng hành cùng tôi, để tôi được gặp người Thầy ấy, để biến công sở nơi tôi làm việc thành một nơi gắn bó như thể ngôi nhà của mình. Người ta nói, có một nơi làm việc tốt là đã có nửa đời hạnh phúc, bởi gần nửa thời gian trong ngày con người gắn với nơi làm việc. Nếu thế, rõ ràng tôi đang có nửa cuộc đời hạnh phúc, mà hạnh phúc này phần nhiều nhờ vào sự đồng hành và hỗ trợ của người

Thầy đó – Thầy giáo trường đời.

Hạnh phúc với ai đó có thể là nhà lầu xe hơi, nay vi vu trời Âu, mai lượn lờ châu Mỹ hay khoác lên người những thứ hàng hiệu đắt tiền. Hạnh phúc với người khác có thể là sở hữu sức mạnh hô mưa, gọi gió, một lời nói ảnh hưởng tới vạn người. Nhưng với tôi, những thứ vật chất ấy nhiều khi chỉ là phù phiếm, quyền lực kia cũng là hư vô nếu như họ không dành thời gian cho mình để lắng nghe và cảm nhận được âm thanh và mùi vị của hạnh phúc.

Người Thầy đó không những dạy tôi cách cư xử đúng mực trong môi trường công sở từ khi tôi còn là trẻ con, vừa chân ướt chân ráo ra trường mà đến tận bây giờ, người Thầy ấy vẫn âm thầm giúp tôi phát huy khả năng trong công việc, nhìn nhận cuộc sống một cách tích cực và sự sẵn sàng giúp đỡ bất kỳ ai khi có thể. Tôi vẫn luôn ngưỡng mộ những người giữ vị trí chủ chốt, có đóng góp lớn cho nơi tôi làm việc. Nhưng với Thầy, đó còn hơn cả một sự ngưỡng mộ, bởi qua năm tháng, tôi học được quá nhiều điều quý giá để gắn bó hơn với nơi này và biết trân trọng hơn những gì tôi đang có ở cuộc sống này.

Thầy không bao giờ đưa tôi danh sách dài những việc phải làm cùng yêu cầu thế này hay thế khác. Nhưng cách cư xử lúc cương, lúc nhu của Thầy khiến tôi hiểu rằng, chẳng phải cứ lớn tiếng quát nạt sẽ ép được nhân viên làm việc tốt, nhưng cũng không hẳn cứ ngọt nhạt với khách hàng là sẽ mang về lợi nhuận tối đa cho Công ty.

Người Thầy ấy cũng không dạy tôi phải làm gì với nhân viên thử việc A hay anh B nên được phân công công tác gì. Nhưng theo thời gian, tôi khâm phục người Thầy của mình bởi cách Thầy nhìn nhận, đánh giá khả năng để rồi sắp xếp công việc phù hợp với tính cách và nguyện vọng của cấp dưới. Tôi biết rằng, để được lòng cấp trên thì làm việc phải hiệu quả hơn và để cấp dưới nể phục thì phải có sự sắp xếp hợp lý nhiệm vụ hợp với tính cách, hoàn cảnh và mong muốn của họ.

Không chỉ có vậy, trong suốt quãng thời gian đồng hành cùng nhau, Thầy còn giúp tôi hiểu rằng, mỗi người trong chúng ta nên sống vị tha và có cái nhìn nhân từ hơn với cuộc sống. Tôi hiểu rằng mình chẳng thể lấy sự bận rộn của bản thân để biện hộ cho sự thờ ơ, vô tâm của mình với cuộc sống xung quanh. Bởi người Thầy ấy tuy bận trăm công nghìn việc, nhưng vẫn luôn dành thời gian để tìm hiểu về cuộc sống của các nhân viên và sẵn lòng giúp đỡ những người xung quanh.

Thầy cũng giúp tôi “ngộ” ra rất nhiều điều, ví như doanh thu và lợi nhuận của Công ty là lợi ích sát sườn của mỗi người chúng ta và khách hàng chính là những người “nuôi sống” Công ty trong khi trước kia, tôi vẫn vô tư cho rằng những yếu tố “vĩ mô” ấy chẳng liên quan gì đến đám “tốt đen” như tôi. Làm thế nào để làm vừa lòng khách hàng là nhiệm vụ của tất cả mọi người chứ không chỉ riêng các bạn làm kinh doanh. Làm khách hàng hài lòng để tiếp tục hợp tác cũng chính là làm cuộc sống của chúng ta dễ chịu hơn. Nhờ người Thầy ấy, tôi đã học được những kiến thức cơ bản đầu tiên về chăm sóc khách hàng mà trước đó tưởng chừng là công việc rất xa vời với nghiệp vụ của của chính mình.

Với tất cả những gì học hỏi được từ người vừa là đồng nghiệp, vừa là người đi trước, đối với tôi, từ lâu người đó đã là một người Thầy – người Thầy không đứng trên bục giảng. Nếu như trong các bộ phim kiếm hiệp mà tôi vẫn thường xem thì chắc chắn tôi sẽ gọi người Thầy này hai tiếng “Sư phụ” rồi. Dù rằng bây giờ không thể gọi Thầy như vậy nhưng trong thâm tâm thì tôi đã coi Thầy là Sư phụ từ lâu.

Và tôi cũng thầm nghĩ rằng, nếu như trên đời có nhiều người biết sống và làm việc hết mình, biết nghĩ cho người khác như Thầy thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều.

Nhân ngày của tri ân các Thầy, Cô sắp tới, tôi thực sự mong rằng sẽ luôn nhìn thấy người Thầy của mình mạnh khỏe, hạnh phúc và có nhiều thành tựu hơn nữa ở nơi này.

viet-ve-nguoi-thay-khong-dung-tren-buc-giang-1