Trò chuyện với nàng “nàng bảo mẫu” tài sản

– Em ơi Giang có ở đây không, anh muốn yêu cầu trang bị tài sản!

– Chị ấy đang đi đếm server rồi.

– …..

– À, đây rồi, nàng ơi, cho em phỏng vấn viết bài một tí.

– Không có tí tẹo gì hết, chị phải đi lắp máy ở kho đây!

– Chiều được không?

– Lúc đấy chị đang ở phòng bảo hành rồi.

– Sáng chiều không được, tối nhé?

– Lúc đấy đang mải làm ca đêm…

– Ca đêm???!!!!

– Thì ngày làm việc “tay trái”, đêm thì phải hùng hục làm nốt việc “tay phải”, tức là thiết kế Bó đũa với Breaking News, thiết kế cho Đại hội cổ đông, các tài liệu ISMS, QR code chứ sao nữa.

Muốn gặp nàng quản lý tài sản GiangBLH (tên thường gọi và trên Facebook là Maria Giang) còn khó hơn gặp nguyên thủ.

Sau nhiều lần rình rập, kế hoạch phỏng vấn viết bài của tôi đã phá sản hoàn toàn. Muốn viết, tôi chỉ có cách là bám càng chị suốt mấy ngày liền để mục sở thị rút cuộc hàng ngày chị bận thế nào. Kết quả là, chỉ sau 3 ngày, tôi đã… chạy đứt dép vì không chỉ mệt mà còn tẩu hỏa nhập ma với lịch làm việc của chị.

Nhắc đến tài sản, có thể nhiều người cho rằng nó chỉ đơn thuần là tài sản vật lý, nhưng theo tiêu chuẩn đánh giá về hệ thống an toàn và bảo mật thông tin (ISMS) của ISO 27001 thì phân thành 07 loại tài sản, cụ tỷ như:

– Tài sản thông tin (Information): Dữ liệu, băng đĩa, file hình ảnh, tài liệu hệ thống, tài liệu đào tạo, vận hành hoặc những quy trình hỗ trợ, kế hoạch triển khai, hồ sơ triển khai, tất cả các thông tin liên quan cần bảo mật;

– Tài sản phần mềm (Software): Phần mềm ứng dụng, phần mềm hệ thống, phương tiện phát triển;

– Tài sản vật lý (Physical): Thiết bị thông tin, phương tiện truyền thông như băng đĩa, các thiết bị kỹ thuật khác, thiết bị, đồ đạc, tiện nghi của tổ chức;

– Tài sản Dịch vụ (Service): Các dịch vụ như Điều hoà, chiếu sáng, điện, hệ thống lò sưởi…;

– Tài sản con người (Human): Các tài sản con người như: nhân viên, cán bộ quản lý, khách hàng, đối tác, nhà cung ứng…;

– Tài sản hình ảnh/ danh tiếng của Công ty;

– Tài sản khác (nằm ngoài 6 loại tài sản trên).

Trong 07 loại tài sản trên thì “tay trái” của nàng quản lý tài sản vật lý còn “tay phải” kiêm luôn quản lý một số tài sản thông tin của Công ty như bộ nhận diện thương hiệu và hình ảnh thiết kế. Nếu như việc quản lý các tài sản khác với nàng “nhẹ tựa lông hồng” thì phần quản lý tài sản vật lý thật là quá “vật vã”. Tài sản ấy là tất cả các loại máy móc, hiện vật có giá trị có thể “sờ mó” được mà Công ty sở hữu. Nói tóm lại, sau khi nàng kiểm kê đi kiểm kê lại, kiểm kê tái hồi cả chục lượt thì Công ty hiện nay có khoảng… vài nghìn tài sản. Để tính ra con số ấy, chị đã mất cả tháng trời lượn tới từng phòng/ ban, gặp cả trăm nhân viên để xác định chính xác tài sản mà người đó sở hữu.

Nhưng nếu chỉ có thế thì quá đơn giản. Có những nhân viên ít xuất hiện hoặc đăng ký “tạm vắng” thường xuyên nên “nàng Maria” kiểm kê mãi không được. Có những tài sản được liệt kê trong sổ sách nhưng không thấy có trên thực tế, cũng có nhiều tài sản phát sinh nằm ngoài danh mục. Có trường hợp còn oái oăm hơn khi màn hình máy tính của anh A lại được gắn với máy tính của chị B rồi xài chuột của anh C và dùng hộ bàn phím của ông D, khiến cho nàng nhiều phen phát “hoảng”.

Và hệ quả là, bên cạnh việc “trông trẻ” hiện tại, nàng còn có thêm nghề “tìm trẻ lạc”. Nói một cách nôm na là nàng phải đi tìm cho bằng được tất cả các đồ đạc, tài sản thất lạc từ thuở “khai hoang, phá núi”.

Đấy là còn chưa kể lúc nhập dữ liệu đổ phần mềm, hàng trăm cột dữ liệu excel với đủ các thông số kỹ thuật “nhảy nhót” loạn xạ trên màn hình cũng khiến mắt nàng nhiều phen được lên mặt trăng đi dạo cùng “ngàn sao” còn đầu thì cặp đôi với búa bổ.

Là bảo mẫu quản lý tài sản, tất cả máy móc từ lúc được mua về, lắp đặt, bảo hành, sửa chữa, thay mới, nâng cấp, vận chuyển, cài đặt đều phải thông qua “bộ phận một cửa” là tay nàng hết. Mỗi ngày nàng phải lượn chục vòng các tầng, khi thì trang bị cái điện thoại cho văn phòng, lúc thì đi lùng sục kiếm bộ “tròng” cho các anh kỹ thuật, khi thì kéo-đẩy-bê-vác UPS, CPU từ nơi đề nghị đến phòng bảo hành rồi lại xuống đến kho và ngược lại. Cả ngày luẩn quẩn với máy móc, thiết bị, dụng cụ… nên nhiều lúc nàng phải bóp tran, cau mày nhưng vẫn đùa rằng: “Nhờ quản lý tài sản mà eo mình đã thon hơn đến cả chục xen-ti-mét, có khi sắp đi thi Hoa hậu Quý bà đến nơi”.

Từ một nhân viên thiết kế luôn phải phát huy tối đa sức sáng tạo cho trí tưởng tượng bay cao, bay xa, nàng đã được đưa xuống gần hơn với mặt đất, kiêm thêm việc quản lý tài sản để chân tay có cơ hội được “khua khoắng”. Việc chuyển giao và kiêm nhiệm này cũng cần có thời gian để cả trí lực và sức lực của nàng được làm quen dần dần.

Việc đưa vào sử dụng phần mềm Quản lý tài sản do HiPT xây dựng cũng hứa hẹn sẽ phần nào giúp nàng gỡ rối những ca “khó nhằn”. Khi nàng đang hoàn thiện những khâu cuối cùng trong quá trình số hóa dữ liệu thì nghe đâu lại có quy định mới về việc phân loại tài sản và công cụ. Và nếu như điều mà tôi “hóng” được đó là sự thật thì nàng lại sắp có thêm cơ hội để tiếp tục cuộc chơi với các “thông số” rồi.

NHY