Trò chuyện với Dr. Tiết kiệm

Nhân cái chương trình tiết kiệm được phát động ầm ĩ, giăng mắc khắp nơi ở HiPT và lại còn bay thẳng vào Sài Gòn, Dr. Tiết Kiệm – Trưởng ban Tổ chức chương trình – thấy vui lắm bèn gợi ý Bó Đũa cho đăng đàn một phen. “Mưa dầm thấm lâu, nói nhiều sẽ nhớ”, Dr. Tiết Kiệm luôn tin tưởng rằng tinh thần của mình sẽ thấm nhuần trong mọi HiPTer.

PV: Chào anh! Tiết kiệm là hành động mà ai cũng biết và rất muốn thực hiện nhưng để nó “nhẹ nhàng” và dễ dàng đi sâu vào lòng người thì lại là việc rất khó.

Dr. Tiết Kiệm: Tôi thì cho rằng việc này không khó. Tiết kiệm là khi bạn tiêu dùng một cách thông minh, hợp lý, vừa phải… cho những gì cần thiết. Như vậy, bên cạnh việc cắt giảm những thứ thừa thãi không đáng có thì còn phải tính đến chuyện tiêu dùng thông minh từ trong trứng nước.

Tôi thích quan điểm của anh Trần Mạnh Đạt (Phòng Tài chính và Đầu tư). Có thể nói anh là một người khá cẩn thận và cầu toàn khi chi tiêu. Việc sắm sửa một chiếc điện thoại di động mới ngốn của anh khá nhiều thời gian với việc tìm hiểu cẩn thận trên mạng, kỹ càng ngó nghiêng thực tế ngoài đời rồi mới… xuống tay. Ấy thế nhưng với anh những thứ đáng chi thì vẫn phải chi cho ra trò. Ví như mua điều hòa cho Công ty, anh chỉ định: “Cứ mua điều hòa Daikin, đắt xắt ra miếng, tuy giá hơi cao nhưng bù lại siêu bền. Tính ra lại hiệu quả sử dụng lại cao nhất bởi khấu hao dài lâu, hơn là nay sửa và mai lại phải sửa”.

Tôi cho rằng đó là cách tiêu dùng, tiết kiệm thông minh bởi không nhất thiết phải tiết kiệm nếu việc đó không mang lại giá trị lớn. Cô nàng quản lý tài sản của Công ty kể với tôi rằng có một cán bộ quản lý ở HiPT yêu cầu trang bị máy tính cấu hình Core i5 cho một dự án từ xửa xừa xưa, thời đó máy này còn đắt lắm. Nếu nghe qua thì ai cũng thấy xót xa cho số tiền phải bỏ ra khi ấy nhưng thực tế cho đến nay, chiếc máy này vẫn còn hoạt động tốt và tham gia đều đặn vào các dự án lớn của HiPT.

PV: Vậy chương trình tiết kiệm lần này tại HiPT đã đạt được những kết quả bước đầu như thế nào?

Dr. Tiết Kiệm: Vâng, nếu là kết quả bước đầu thì cũng đã có, ví như việc tiết kiệm điện, tiết kiệm giấy đã được phát huy và nhân rộng toàn Công ty.
Tôi cũng chứng kiến nhiều hành động tiết kiệm mẫu mực của những nhân vật điển hình như anh Nguyễn Tất Linh (Văn phòng) và chị Trần Thị Phương Chi (Văn phòng). Một người thì về muộn, lượn lờ khắp cầu thang của các tầng để tắt điện, tắt quạt. Nhiều lúc thấy anh bực mà thốt lên rằng: “Cái bọn đấy bảo chúng nó sao đi về mà không ai tắt cái quạt ở góc kia đi?” rồi nhận được câu trả lời thản nhiên của một-ai-đấy: “Quạt đấy em có ngồi đâu mà biết”. Nghe mà cũng thấy thương.

Còn một người thì luôn dòm dòm tắt điện cái chỗ mà nàng coi là thừa – bóng đèn nhà vệ sinh. Nàng cho rằng đi toilet chứ có phải ngồi code với làm hồ sơ thầu đâu mà cần sáng. Cứ mở cửa nhà vệ sinh, có cái sáng của ông mặt giời chiếu thẳng vào lại chả vừa sáng vừa… diệt khuẩn đấy sao.

Đùa vậy thôi, tất nhiên với một chương trình tiết kiệm ở HiPT, khi tạo ra nó, người làm chương trình không chỉ muốn mỗi CBNV đơn thuần là tắt đèn, tắt quạt, tắt máy tính. Thực chất, bảng biểu treo đó với mong muốn tác động đến ý thức ẩn sâu trong mỗi người chứ không đơn thuần là nhắc cho nhớ. Ý thức mới là thứ quyết định tất cả đến thái độ và hành vi. Hãy luôn nhớ phải tiết kiệm mỗi khi có thể. Cao hơn nữa, mỗi người phải tiết kiệm thời gian và công sức lao động của mình. Khá nhiều dân công sở bị các trang tin, mạng xã hội bủa vây và chiếm lĩnh khoảng thời gian dành cho công việc. Thực chất thì việc đo lường những số liệu này trong thời điểm hiện tại là không thể, có chăng phải dăm ba năm nữa mới đo được (tất nhiên là khi chương trình này thành công một cách tuyệt đối).

PV: Tiết kiệm thời gian và công sức nghe có vẻ mơ hồ anh nhỉ?

Dr. Tiết Kiệm: Có lẽ ít nơi nào mà quán trà vỉa hè, các cửa hàng điện tử mọc lên như nấm như ở Việt Nam. Nếu đó là một hình thức giải trí lành mạnh thì hoàn toàn rất đáng hoan nghênh nhưng bao nhiêu phần trăm trong số người tham gia những quán này đạt được điều đó?

Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất Châu Á – Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. So với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam vẫn có khoảng cách lớn, chỉ bằng một phần năm Malaysia và hai phần năm Thái Lan. Ngoại trừ những yếu tố về tình trạng thể lực của người lao động thì vấn đề kỷ luật là yếu tố quan trọng khiến năng suất lao động của Việt Nam thấp.
Nghe qua thì tưởng là xa xôi nhưng đó cũng là vấn đề của HiPT. Tôi chắc chắn rằng trong số chúng ta, hiếm ai toàn tâm toàn ý cho công việc trong 8 giờ công sở. Vẫn còn những tình trạng đi muộn – về sớm, ngồi quán trà trong giờ và thậm chí ngồi tại máy nhưng làm việc riêng… Những hành động tưởng chừng như vô hại ở mỗi cá nhân nhưng nhân rộng lên toàn Công ty thì lại là sự chảy máu chất xám rất lớn. Nếu như chúng ta đều tiết kiệm thời gian và công sức để tập trung cho những công việc của Công ty thì HiPT và bản thân chúng ta đều sẽ được lợi nhiều.

PV: Cảm ơn anh! Tôi tin rằng nếu được tác động mạnh mẽ trên mọi phương diện, chương trình tiết kiệm của HiPT sẽ giúp HiPTer hình thành thói quen tiết kiệm nơi công sở.

tro-chuyen-voi-dr-tiet-kiem