Tình yêu phía bên kia thành phố

Tôi bén duyên với HiPT từ năm 2006, tính đến nay cũng đã được 9 năm. Tuy thời gian chưa đủ để được xếp vào dạng “cây đa cây đề” nhưng cái thời được gọi là “lính mới” cũng đã qua đi từ lâu lắm rồi.

Làm trên trụ sở Thụy Khuê được 3 năm, tôi chuyển công tác xuống dưới Kho HiPT. Kho nằm ở 56 Mạc Thị Bưởi, gồm 2 bộ phận: Triển khai và Kho hàng. Chúng tôi phụ trách chuyển máy, lắp máy, hạ tầng mạng, máy chủ, triển khai tất cả các hàng hóa phần cứng đầu ra của Tập đoàn. Ở thời điểm hiện tại, Kho có 18 người, bộ phận triển khai gồm 14 người, kho hàng 2 người và 2 chú bảo vệ.

Nếu như Trụ sở chính giống như một tòa chung cư nhiều phòng, vuông vức, kín đáo cùng những con người bận rộn quanh những kế hoạch riêng, thì Kho cho tôi cảm giác như đang sống trong một ngôi nhà ngoại ô hiếu khách, với ngõ nhỏ, sân rộng, bước ra ngoài thấy thênh thang là nắng. Từ cổng vào đến kho hàng hay khu vực đặt bàn làm việc, không khí đều toát lên vẻ tấp nập. Xe cộ, hàng hóa xếp khắp nơi, khách khứa ra vào rộn rã cả ngày. Ngay cả bàn làm việc cũng không có các vách ngăn. Sự thoải mái và thuận tiện trao đổi giữa mọi người lúc nào cũng ở mức tối đa.

Làm việc ở dưới này khác trên Trụ sở rất nhiều. Đơn cử như cái việc thấy bằng mắt và sờ bằng tay ấy. Những thứ mà ngày trước chỉ ngồi nhìn trên máy tính, làm việc trên giấy tờ, xuống đến đây mới được biết kích thước tròn méo, vuông dẹt ra sao. Trước thì nghĩ loại hàng này chỉ cần vận chuyển bằng xe máy, giờ mới biết có khi công nông mới chở nổi ấy chứ! Mọi liên lạc với Trụ sở được thực hiện chủ yếu qua điện thoại. Ngoài những ngày vào dự án, phải làm việc bên khách hàng thì mọi người sẽ ngồi với nhau tự đào tạo, nghiên cứu tài liệu, giúp nhau hoàn thiện kiến thức chuyên môn.

Thú thực, lúc đầu chuyển xuống dưới này, tôi cũng “oải” lắm, vì tự dưng quãng đường đi làm hằng ngày kéo dài ra thêm gần chục cây số, điều này đồng nghĩa với việc sáng phải dậy sớm hơn, chiều đi về muộn hơn, thời gian cho các hoạt động cá nhân cũng không còn nhiều như trước, hôm nay phải bớt một trận đá bóng, ngày mai lại không kịp tụ tập đấu Dota với mấy chiến hữu. Có những khi phải vận chuyển hàng đến quá nửa đêm, sáng ra đi làm sớm lại tắc đường…Mỗi khi có công việc cần lên Trụ sở, may mắn gặp các sếp thì nửa ngày là xong, không thì lại phải chờ từ ngày này qua ngày khác, quãng đường đã dài lại nhân lên vài lần, rất mất thời gian. Ở đây lại vắng vẻ hơn, cơ sở vật chất cũng không được bằng trên ấy, mùa hè thì nóng, mùa đông thì lạnh. Ngay cả việc nhận tin tức, báo nội bộ cũng chậm hơn vài phần.

Nhưng từ bao giờ, tất cả những khó khăn ban đầu gặp phải, đã nhường chỗ cho một thứ tình yêu kì lạ đối với nơi này, với những cung đường hằng ngày đi qua, với những con người hằng ngày gặp gỡ, với khối lượng công việc hằng ngày phải đối mặt, tôi cũng không biết nguyên nhân là vì đâu?

Có lẽ vì tôi mê đắm cái không gian thoáng đãng nơi này, thích cảm giác một mình lọt thỏm giữa những chồng hàng chạm trần kho cao vút, thích cái không khí tấp nập, chuyển động không ngừng của hàng hóa, xe cộ, lúc nào cũng như đang hối thúc ta hăng say làm việc.

Cũng có thể là vì tôi thích cảm giác khi nhận ra bản thân đang tiến bộ lên từng ngày sau quá trình làm việc, tự nghiên cứu và học hỏi từ những đồng nghiệp xung quanh, càng ngày càng biết thêm nhiều thuật ngữ chuyên nghành và thực hành thành công những gì mà trước đây mình nghĩ sẽ chẳng bao giờ làm được.

Đôi khi tôi cũng thích những ngày làm việc về muộn, thành phố vắng lặng, gió đêm se se, và Hà Nội trở nên đẹp lạ lùng. Vẻ đẹp bình dị bấy lâu nay che đậy bởi cái xanh đỏ tân thời của đèn hoa lấp lánh chốn nội thành đất chật người đông, ra đến đây bỗng dưng được khoe ra rất đỗi dịu dàng.

Hoặc có lẽ tôi đã quá quen với những con người thân thiện nơi đây, quen nhìn nụ cười chan hòa ôn hậu của bác Thâm mỗi sáng đi làm, quen những câu bông đùa của anh Trúc, anh Giáo cất lên khiến không khí trở nên nhẹ nhõm khi đang căng thẳng làm việc, quen với những lời chỉ bảo tận tình của anh Sao khi gặp khúc mắc, quen vẻ duyên dáng pha chút ngại ngùng mà vô cùng chân thành của chị Tuyến… Mọi người đều gắn bó ở đây rất lâu rồi, có người 10 năm, người 7 năm, người những 14 năm. Tôi không nghĩ chỉ riêng mối ràng buộc về mặt tài chính có thể khiến con người ta gắn bó với một thứ lâu đến thế. Tôi luôn tin rằng tình yêu công việc mới chính là những thứ níu chân họ ở lại.

9 năm trước, khi còn đang hừng hực khí thế của một chàng trai tuổi 22 vừa bước chân ra khỏi cánh cổng đại học, bao nhiêu ước mơ, hoài bão ấp ủ, tôi vẫn nghĩ là phải làm công việc mình thích, nhưng đến bây giờ, tôi nghĩ rằng bạn phải thích công việc mình làm nữa thì mới được. Và thứ tình yêu công việc đó là một thứ mà ta cần nâng niu. Bạn không thể đối xử với nó như với sự yêu thích của tuổi trẻ bồng bột, một sáng thức dậy thấy háo hức muốn thực hiện một điều gì đó, thế rồi vỡ mộng và chán chường sau đó vài tuần khi va chạm thử thách. Tình yêu công việc đòi hỏi sự nuôi dưỡng như tình yêu trong một cuộc hôn nhân. Hôm nay vợ ta có nấu cơm hơi khê, hôm nay cô ấy có cằn nhằn ta, giận dỗi ta…thì đó vẫn là người hằng ngày bên ta, nấu cơm cho ta ăn, chăm lo cho ta khi ta ốm, lắng nghe ta, vui chung thành công của ta, là người mà ta cần yêu không chỉ bằng tình yêu mà bằng cả sự bao dung, vị tha, sẵn sàng bỏ qua những điều chưa hài lòng.

Và tình yêu dành cho Kho Mạc Thị Bưởi của tôi đã được nuôi dưỡng lớn lên và vững vàng bằng môi trường thân thiện, cởi mở, bằng sự công nhận xứng đáng, bằng tình thân đồng nghiệp ấm áp như thế đấy.

kho.000

Nụ cười luôn thường trực trên môi những con người nơi phố Mạc