Nói cách làm bao xa?

“Nói đi đôi với làm” vừa là đạo lý vừa là yêu cầu của thực tiễn cuộc sống từ xưa đến nay. Thế nhưng không phải ai cũng dễ dàng thực hiện được yêu cầu này. Có những người thường tạo ra khoảng cách giữa nói với làm, giữa suy nghĩ với hành động. Tất nhiên khoảng cách ấy ở mỗi người lại có những giới hạn khác nhau. Vậy không biết HiPTers đang nghĩ gì về vấn đề này? Hãy cùng Bó Đũa khảo sát xem sao nhé!

Nói là làm

Là một người nói là làm, anh TùngNS (Phòng PTSP1) cho rằng cần phải suy nghĩ thật kỹ trước khi nói ra bất cứ điều gì, phải có trách nhiệm với lời mình nói và quan trọng nhất là nên biết rõ khả năng của mình đến đâu, có thể thực hiện được điều mình định nói ra không. Mọi người nên trao đổi, chia sẻ, phát biểu ý kiến để những người xung quanh biết mình định làm những gì. Như vậy mới có thể hỗ trợ cho nhau và phối hợp ăn ý được.

Chị YếnNH (Phòng Kế toán) cũng là người sống và làm việc theo phương châm “Nói là làm”. Chị nghĩ rằng trong công việc thì cả cấp trên và cấp dưới đều cần phải “nói là làm”, như vậy thì hiệu quả công việc mới cao được. Cụ thể, cấp trên thì cần sát sao hơn trong việc quản lý nhân viên và giúp đỡ nhân viên khi cần thiết. Và quan trọng là họ cần phải làm gương cho nhân viên noi theo. Còn nhân viên thì cần nhận biết rõ năng lực của mình như thế nào, làm được thì mới nhận, nhận rồi thì phải làm đến nơi đến trốn. Ai cũng cần phải có kế hoạch làm việc cụ thể, chi tiết, rõ ràng để nếu có khó khăn ở bước nào thì giải quyết ngay ở bước đó.

Anh TùngPT01 (Phòng TT TVHT CNTT) cho rằng “Nói đi đôi với làm” phụ thuộc vào tính cách mỗi người, còn anh thì thuộc tuýp người “nói ít hơn làm”. Nhưng tốt nhất là nên cân bằng giữa nói với làm. (Cười) Nếu ít nói quá thì sẽ không ai biết mình đang làm gì, đang cần gì để có thể giúp đỡ. Để làm được điều ấy thì mỗi người nên tạo cho mình những thói quen tốt và quan trọng là bản thân phải thất sự biết mình đang cần gì.

Chị OanhNK (Phòng PTSP số 01) cũng rất ủng hộ phương châm “nói đi đôi với làm”, nhưng trong một số trường hợp bất đắc dĩ thì vẫn cần phải nói hay trước đã rồi mới nghĩ đến việc thực hiện điều ấy sau. Ví dụ như đó là trong trường hợp đi gặp khách hàng, có tình huống bất ngờ xảy ra, mình phải nói sao cho họ vừa lòng đã, dù có phải hứa hẹn điều gì đó thì mình vẫn nên hứa dù không biết chắc có thực hiện được hay không. Về rồi thì phải cố gắng nỗ lực để làm thôi.

Chị HuyềnĐTT (Phòng QTNL) – Một cô gái nhỏ nhắn nhưng đã nói là sẽ làm. Chị nói nếu không làm thì sẽ thấy áy náy với công việc mình đang làm hoặc với người mình đã hứa là sẽ làm lắm. Chị luôn tự cố gắng làm mọi việc, nếu có khó khăn thì chị sẽ nhờ đến sự trợ giúp của những người xung quanh để hoàn thành công việc. Chị luôn tự nhủ dù kết quả như thế nào thì mình cứ làm đã, nhất định phải làm.

Business motivate concept. businessman with slingshot and prelaunch
Business motivate concept. businessman with slingshot and prelaunch

Nói hơi xa với làm

Không phải ai cũng có thể “nói là làm” được, nó còn tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, trường hợp cụ thể. Vì vậy mà giữa nói và làm; giữa suy nghĩ và hành động còn có những khoảnh cách nhất định.

Chị ThảoLP (Phòng PTSP1) chia sẻ về nguyên nhân tạo ra khoảng cách giữa nói và làm là từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Chủ quan có thể do lười biếng, muốn đùn đẩy công việc hoặc do mục tiêu đặt ra không cụ thể, rõ ràng, không có tính khả thi. Khách quan thì có thể do những việc đột xuất xảy ra, không thể biết trước mà chuẩn bị được nên đôi khi vẫn phải trì hoãn những dự định ban đầu lại. Chị đặt mục tiêu cho bản thân để có thể nâng cao hiệu quả công việc hơn đó là cần tỉ mỉ, cẩn thận hơn nữa trong công việc để những người ở khâu sau không vất vả. Tránh làm rơi rớt yêu cầu của khách hàng, cần note lại những thay đổi để kịp thời xử lý.

Chị QuyênLT (Phòng TC-ĐT) tự nhận mình là người 80% nói đi đôi với làm. Bởi trong cuộc sống, có nhiều khi mình đang làm điều gì đó nhưng thấy động lực bị giảm đi, không còn nhiều hứng thú thì chị sẽ không tiếp tục làm nó nữa. Vì dù có làm cũng sẽ rất hời hợt, kết quả sẽ không như mong muốn. Tuy nhiên, trong công việc thì dù là việc gì cũng phải làm cho xong, đã nhận việc rồi là phải cố gắng làm cho thật tốt. Còn có những việc liên quan đến người khác thì cũng nhất định phải làm, không để ảnh hưởng đến ai.

Anh CườngĐX (Phòng TTĐC) tự nhận thấy mình là người thỉnh thoảng mới “nói đi đôi với làm”. Lý do là bởi lười này, chưa đủ động lực để làm này và còn do khả năng của bản thân còn hạn chế nữa. Cách khắc phục tình trạng này là phải cố gắng chăm chỉ hơn, lập kế hoạch một cách rõ ràng, chi tiết và tốt nhất là không nói gì cả, cứ âm thầm làm việc thôi.

Chị ThắmTT (Phòng PTNV) cho rằng không thể lúc nào nói mà cũng làm ngay được, còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, công việc. Như đặc thù công việc của chị thì giữa nói và làm, giữa suy nghĩ và hành động thường có khoảng cách nhưng không quá lớn. Như khi bắt đầu làm dự án, ai cũng có thể đóng góp ý kiến, đưa ra ý tưởng cho công việc nhưng không phải ý tưởng nào cũng được số đông ủng hộ, tán thành. Thành ra nhiều khi rất muốn thực hiện điều mình nói ra nhưng lại vướng mắc hay không nhận được sự đồng tình thì nản lắm. Vậy nên, muốn nhận được sự đồng tình từ số đông thì trước hết ý tưởng của mình phải khả thi đã.

Chị OanhNT (Phòng PTNV) thì lại nhấn mạnh vào phương pháp làm việc. Để thực hiện được “nói đi đôi với làm” thì cần có nhiều yếu tố. Thứ nhất là mong muốn của mình có đủ không, mình có thật sự cần điều mình định làm không, có tha thiết với nó không? Thứ hai là mình đã đủ quyết tâm chưa? Nếu thật sự cần rồi thì phải quyết tâm làm cho bằng được. Và quan trọng nhất là phải có phương pháp đúng. Đó là cần đưa ra mục tiêu cụ thể về thời gian, chất lượng, hỏi ý kiến những người xung quanh. Nói ra điều mình định làm thì sẽ tăng thêm động lực để thúc đẩy mình làm tốt hơn.

Tổng hợp lại ý kiến của những người được hỏi thì chúng ta có thể thấy “nói đi đôi với làm” vẫn là yêu cầu rất quan trọng trong cuộc sống cũng như trong công việc. Uy tín và giá trị của mỗi người được xây dựng nên từ chính những gì người đó nói và làm. Nếu coi “nói” như những đốm than đỏ đang âm ỉ cháy thì “làm” giống như 1 mồi lửa làm cho đốm than ấy bùng cháy rực rỡ. Nếu chỉ nói thôi mà không làm thì chắc chắn lời nói ấy sẽ trở thành đốm tro lụi tàn, vô nghĩa. Nếu nói mà làm ngay thì đó sẽ là một ngọn lửa rực rỡ, ấm áp và trở nên có ích hơn rất nhiều.

Su Sê