DungNTK: “Đảm đang cơm rang hành mỡ”

Tôi còn nhớ, khi đang hí hửng với 2 đôi tất quần mua giảm giá trên mạng trị giá 40k/đôi (mà so với cửa hàng đối diện Công ty thì đã rẻ được 2/3) thì gặp chị – DungNTK (Ban Tổ chức nhân sự) – trong thang máy.

Chị hỏi: “Em mua đôi tất này bao nhiêu thế?”, tôi hớn hở trả lời: “40k chị ạ”. Chị bảo: “Em mua đắt rồi, chị chỉ mua 35k thôi”. Tôi tiu nghỉu, không phải vì xót của mà bởi tôi thấy mình tiêu dùng thật kém thông minh. Từ đó, tôi bắt đầu “để ý” tới chị – người tiêu dùng thông thái – bằng cách dỏng tai lên mà nghe mỗi khi có người nhắc đến chị.

Ở HiPT này, chị khá nổi tiếng, ít nhất là với các chị em, mà dĩ nhiên không phải bởi chị đã cống hiến cho Công ty gần 9 năm trời. Chị nổi tiếng ở mặt “đảm đang cơm rang hành mỡ” – điều mà bố tôi luôn mong ước ở con gái đểnh đoảng, nấu một bữa cơm không xong mà làm cỗ thì người ta về hết rồi vẫn chưa bê mâm lên.

Chị là cẩm nang mua sắm của chị em trong Công ty. Chỗ nào có đồ hay, đồ rẻ, chị đều biết và “chỉ điểm”, thậm chí mua giúp mọi người, khi thì cái khăn, khi thì cái quần tất, khi lại là quả chanh đào – thứ quả hiếm mà người ta dùng để chế siro ngậm ho cho trẻ nhỏ. Chị đặc biệt nhiệt tình với vấn đề này, chẳng nề hà mỗi khi có người nỉ non nhờ vả.

Chị nấu cơm ngon, chẳng được ăn cơm ở nhà chị bao giờ nhưng tôi dám khẳng định điều đó khi nhìn bữa cơm trưa chị mang đi. Mỗi một hộp đựng thức ăn, dù nhỏ thôi, nhưng cũng khiến người ta thèm thuồng bởi màu sắc đẹp và hương vị ngào ngạt của món ăn. Mà chị ăn uống rất khoa học, đủ chất, có cả rau, cả thịt và món ăn thì thay đổi liên tùng tục. Chẳng như mấy đứa bọn tôi, hôm thì chỉ có rau, hôm thì toàn đạm…

Chị giỏi thêu thùa, may vá. Khi mới chập chững bước vào nghệ thuật Crosstich (mà sau đó tôi nhận ra rằng, môn nghệ thuật này không dành cho những người “cả thèm chóng chán”) thì tôi đã biết sư tổ của nghề này tại HiPT chính là… chị. Chị mang nó đến văn phòng, gieo rắc niềm đam mê cho biết bao người, để rồi sau này, ai trụ được thì cho ra đời hàng chục bức tranh “khủng”, lại có người để cho khung thêu (bằng nhựa) bị ôxi-hóa đến mức không còn nhận ra. Sau Crosstich, chị còn chuyển sang thêu ruy-băng (dạng tương tự Crosstich). Thế nhưng, chị không đốt quá nhiều thời gian vào bất cứ niềm đam mê gì, để còn dành thời gian chăm sóc cho gia đình.

Chi_DungNTK_-_2

Gia đình nhỏ của chị

Nói về gia đình, chồng chị là một cựu HiPTer, và anh ấy “chấm” chị bởi chính sự đảm đang – điều mà bất cứ người đàn ông nào cũng muốn vợ mình có được. Hằng ngày, chị dậy từ sáng sớm, lo chợ búa và cơm nước buổi trưa cho bố mẹ chồng. Mọi công việc được chị hoàn tất nhanh chóng, hiếm khi vì nó mà chị đi làm muộn. Chị kể chị có người chị chồng đặc biệt quý chị, quý như ruột thịt, rất hay nấu nướng cho chị ăn và chăm sóc khi chị có bầu… Ôi! Thật là thích! “Bà bác bên chồng” của chị thật đáng yêu… Nhưng tôi nghĩ chẳng có cái gì trên-trời-rơi-xuống, mà đều có nguyên do của nó. Bản thân chị đối xử tốt với chị chồng, chăm sóc bố mẹ chồng thì việc mọi người quý mến chị cũng là tất yếu thôi.

Gia đình chị thật hạnh phúc với một cậu con trai nhỏ đáng yêu và sắp tới là một cô công chúa. Sếp tôi bảo: “So với đám bạn cùng lứa ở HiPT từ hồi xưa xửa xừa xưa thì Dung không nổi bật về nhan sắc nhưng cái đảm đang, khéo léo của bạn ấy ăn đứt người khác. Giờ ngẫm ra, bạn ấy hạnh phúc nhất trong cả bọn thì phải”. Liếc qua thôi cũng thấy Sếp nói đúng thật.

Mới đây, sau khi HiPT cải tiến mô hình, chị được chuyển tới Ban Tổ chức nhân sự làm việc, thay vì làm cán bộ nhân sự tại đơn vị như trước kia. Bản chất công việc không thay đổi, nhưng nghe chị chia sẻ, tôi thấy thật thích nghề nhân sự. Chị bảo: “Công việc tại vị trí mới đòi hỏi mình phải làm quen với nhiều đồng nghiệp mới, quen với cách làm việc của cán bộ quản lý mới. Mỗi người có những tính cách khác nhau, mỗi nhóm nhân sự có những đặc trưng khác nhau nên phải lựa theo đó để làm việc cho hiệu quả nhất. Mục tiêu của mình là phải biết tất cả nhân sự thuộc nhóm mình phụ trách (CBNV Kỹ thuật) và để mọi người cũng biết mình”. Tôi thì tin rằng mục tiêu này chị đã hoàn thành từ rất lâu rồi…