Định kiến

Nội dung câu chuyện:

(Trà đá Mr.Hiến, 152 Thụy Khuê ngày mưa phùn giá rét.)

Bí Đao (xoa tay): Hôm nay lạnh nhỉ. Cho 5 trà nóng ông Hiến ơi.

Mr.Hiến: Có ngay có ngay!

Cà Rốt: Lạnh quá nên sáng nay thằng cu nhà em gọi mãi chả chịu dậy, thương bọn trẻ con quá.

Bắp Cải: Chị cứ vẽ chuyện, bọn trẻ con bây giờ sướng chán, đâu như bọn mình ngày xưa. Hồi em còn bé, làm gì có giày tất mà đi. Trời này đi học cứ gọi là buốt tê tái.

Su Hào: Cô lại cứ lôi cái ngày xưa ra so với ngày nay. Ngày xưa ai chả khổ, mỗi mình cô khổ chắc?

Bắp Cải: Thì em nói thế thôi. Nhưng ngẫm ra, ngày xưa mình sướng hơn chúng nó bây giờ nhiều. Chúng nó bây giờ ngoài ăn, học, iPad thì có biết cái gì nữa đâu.

Cà Rốt: Đấy, tuổi thơ của chúng nó như thế đấy, lúc nào cũng đâm đầu vào học mà cái sự học cũng có nên hồn đâu. Bác nào ở đây đọc bài thơ “Thương ông” trong sách giáo khoa mới chưa? Ôi em chết mất!

Bí Đao, Bắp Cải, Su Hào (hóng): Đâu đâu, thế nào, chị chưa xem.

Cà Rốt (mở smartphone): Đây, cả nhà đọc đi. Chúng nó cải cách thế này thì ngang bằng giết bọn trẻ con.

************

Bí Đao: Ơ cái bọn này, chúng nó hết việc rồi à? Sao tự nhiên lại cắt xén lung tung thế này, lại còn bịa ra thêm mấy câu chả ra sao nữa.

Su Hào: Sao các bác bên giáo dục lại “làm trò” này nhỉ? Bài này chị thuộc từ bé, đến giờ vẫn nhớ, như thế này này:
“Ông bị đau chân
Nó sưng nó tấy
Đi phải chống gậy
Khập khiễng khập khà…”

Bắp Cải: Em cũng thuộc mà! Ôi tuổi thơ của tôi. Cái bài mới này đọc chán chết, thơ ngang như cua, chả tình cảm gì cả, em thấy chẳng khác gì thơ em tự sáng tác.

Cà Rốt: Lúc dạy con mà em cũng giật mình. Em dạy nó cứ bảo mẹ đọc sai hết rồi, tức không chịu được!

Mr.Hiến: Mấy chị em ăn thêm gì không? Ăn cóc nhé!

Bí Đao: Dạy thế này khác nào giết chúng nó. Ai đời cháu lại dụ ông ăn kẹo. Không biết ông nào nghĩ ra nữa!

Súp lơ (ngồi im, giờ mới lên tiếng): Các bác nói xong chưa? Thế các bác có biết vì sao lại có sự thay đổi như thế không?

Su Hào: Chị chả biết. Nhưng đọc bài mới này trúc trắc khó nhớ quá.

Súp lơ: Thực ra cả hai bài đều trích từ bài thơ gốc mà ra cả, chứ không phải do “ông biên soạn” tự sáng tác ra đâu.

Bắp Cải (mắt chữ O, mồm chữ A): Thế á, chị chả tin. Bài ngày xưa rõ hay và tình cảm, bài này chị đọc cứ thấy gượng gượng.

Bí Đao: Tôi chả cần biết trích hay không trích, tôi thấy bài ngày xưa hay hơn.

Cà Rốt: Thật không anh? Nhưng nếu đã là trích thì sao không trích nguyên cả khổ, đằng này lại cắt xén vài câu thơ đi là sao? Vừa không hợp vần lại vừa không tôn trọng tác giả.

Su Hào: Chị là chị phản đối kịch liệt việc trích dẫn theo kiểu cắt xén như thế này. Có thể trích dẫn theo một đoạn liền, hoặc để nguyên văn cả bài thơ, chứ không thể tùy tiện thêm – bớt được”

Bắp Cải: Thực ra đọc lại em cũng thấy không đến nỗi nào. Nhưng dù sao em cũng quen với bản cũ rồi, em không thích bản này.

Súp lơ: Mình thì mình thấy thế, chứ bọn trẻ con nó làm gì biết cũ – mới mà so sánh. Biết đâu nó lại thích bản này hơn? Cháu em nó học bản mới xong nó bảo bản cũ chả hay gì cả.

Cà Rốt: Bọn trẻ con bây giờ thì biết gì mà phát biểu.

Bí Đao: Thích cũng không được! Tôi phải bắt mấy đứa nhà tôi học theo bản cũ! Như thế này dứt khoát là không được.

Ông Hiến ơi tôi gửi tiền.

Mr.Hiến: 5 cốc nước 15 nghìn, 3 quả cóc 18 nghìn, cứ đưa đây 35.

Lời bàn tác giả:

Câu chuyện bài thơ “Thương ông” bị “cắt ghép” đã trở thành đề tài rất nóng và thu hút được sự quan tâm của dư luận trong thời gian vừa qua. Mặc dù chủ biên (GS.TS Nguyễn Minh Thuyết) đã chính thức đăng đàn trả lời lý do cho sự thay đổi này nhưng dường như lời giải thích đó vẫn chưa làm hài lòng số đông độc giả.

Nguyên nhân chính dẫn đến phản ứng của độc giả đối với bài thơ mới là do sự khác biệt giữa cái cũ và mới. Một phần là do việc cắt rời bản gốc và chắp vá một cách hơi khiên cưỡng của người biên soạn. Nhưng phần lớn hơn, đó là trong tâm tưởng, trong tiềm thức, những ký ức xưa cũ vô tình đã thành một cái “chuẩn”. Và bất cứ điều gì khác với cái “chuẩn” của ngày xưa thì bỗng dung đều trở thành sai, lố bịch, và thậm chí là kệch cỡm, không thể chấp nhận được.

Trong thời đại ngày nay, cùng với sự tiến bộ về nhiều mặt, đã có rất nhiều định kiến dần được xóa bỏ theo thời gian. Tuy nhiên, vẫn còn một số định kiến vẫn “bám rễ” vững vàng trong tâm tưởng mỗi chúng ta, đặc biệt là định kiến về con người. Những định kiến đó không chỉ gây ảnh hưởng đến tất cả các mối quan hệ gia đình, xã hội, mà đặc biệt còn là khối “ung nhọt” trong các doanh nghiệp. Điều gì sẽ xảy ra khi Sếp đánh giá bạn tồi hơn đồng nghiệp khi cả hai người đều có kết quả làm việc tương đương chỉ bởi Sếp vốn đã có định kiến không tốt về bạn? Hay bạn sẽ phải làm gì nếu những người đồng nghiệp xung quanh luôn tỏ ra không tin tưởng bạn chỉ vì một sai lầm trong quá khứ mà bạn đã nỗ lực rất nhiều để khắc phục? Nhiều nhà tuyển dụng cũng đã vô tình bỏ rơi nhiều nhân tài chỉ vì những định kiến của họ khi áp đặt lên ứng viên: không được đào tạo chính quy, bằng cấp chưa có, hình thức không “ngoan”…

Định kiến vô hình trung đã làm cho đánh giá về cá nhân không còn chính xác, thậm chí là hoàn toàn sai lệch. Điều này chắc chắn sẽ cản trở đến sự phát triển của doanh nghiệp. Không phải cái gì xưa cũ cũng là đúng, và không phải vạn vật đều mãi mãi không thay đổi. Vì vậy, đối với mỗi sự việc hay hiện tượng, hay chăng mỗi người chúng ta nên bình thản tiếp nhận các thông tin, quan sát nó từ nhiều góc nhìn và tất nhiên là cần dẹp bỏ các định kiến trước đó. Từ đó, chúng ta sẽ có những câu trả lời công bằng và khách quan nhất. Tất nhiên, việc xóa bỏ những định kiến bấy lâu đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người không phải là chuyện đơn giản, một sớm một chiều. Nhưng để cuộc sống trở nên hài hòa hơn, bao dung hơn và đặc biệt là phát triển hơn, có lẽ, mỗi người trong chúng ta nên bắt đầu một chiến dịch mang tên “Xóa bỏ định kiến”.