Chú Vinh “Nờ Tê” – Còn làm là còn có ích

Mái tóc pha sương, tấm lưng vuông vức có phần hơi nhô lên phía trên của người “có tuổi”, bàn tay gân guốc thoăn thoắt xếp gọn những chồng báo cho từng cá nhân, bộ phận… Dường như tôi đã quá quen với dáng hình ấy vào mỗi buổi sáng đến Công ty sớm.

Dáng hình ấy ở Việt Nam được liệt kê vào hàng “chắc chắn” bởi độ cao và độ rộng của khung xương. Chắc hẳn, có một thời dáng hình ấy đã từng được nhiều người ngưỡng mộ.

Đến Công ty dù sớm hay muộn, tôi đều bắt gặp chú tất bật với công việc, khi thì sắp báo, khi thì lúi húi trong kho, khi thì còng lưng vận chuyển những bình nước… Đều đặn ngày nắng cũng như ngày mưa, chú đều vượt 30km từ nhà tới Công ty, có mặt vào lúc 07h30 sáng. Chú chẳng bao giờ “vin” vào cớ nhà xa để mà đi làm muộn. Mà đến Công vào mỗi sáng, hễ gặp là chú luôn cười thật tươi và giơ tay chào như quân nhà binh. Tôi thích cái điệu bộ ấy ở chú, nó khiến người ta thấy sảng khoái, thoải mái để bắt đầu một ngày mới.

Chú là người phát huy tốt nhất, là minh chứng sáng nhất cho tinh thần tiết kiệm. Nhà chú nuôi một đàn gà. Và tất nhiên, sẵn tinh thần tiết kiệm, chú chẳng ngại ngần gói ghém phần thừa của mỗi buổi liên hoan để mang về cho gà. Là người hay tiếc của, tôi cũng học chú cách nhặt nhạnh khi thì túi cơm nguội, khi thì túi xôi khô cứng trong tủ lạnh… rồi âm thầm thả vào giỏ xe của chú. Thật lạ, tôi thấy lòng thư thả lắm mỗi khi được làm những việc nhỏ nhặt ấy.

Chú tuổi Rồng, hơn tôi hẳn ba giáp mà sức khỏe thì gấp mấy lần tụi trẻ như tôi. Từ việc khiêng tủ, chuyển đồ, treo cái cờ, hạ cái quạt, sửa bàn, xếp ghế, sửa khóa, sửa cửa…, cứ cái gì có vấn đề hay cần nâng lên hạ xuống là phải tìm ngay “bác-sỹ-chuyên-khoa-chỉnh-hình” là chú.

chu-vinh-no-te-con-lam-la-con-co-ich-1

Chú và công việc thường ngày

Chú nhiệt tình, hay giúp đỡ người khác nên đôi lúc cũng khiến những người trẻ ỉ lại. Đấy là tôi nghĩ thế. Tôi biết có nhiều người và ngay cả bản thân tôi đôi lúc cũng đã từng xuất hiện trong đầu cái suy nghĩ mặc định những công việc chân tay ấy là của chú và đương nhiên đã là của chú thì chú phải làm. Nhưng cứ mỗi lần nhìn chú lụi hụi một mình là tôi lại khó có thể đứng yên. Cũng bởi lý do ấy mà nhiều lần, thấy chú cặm cụi, người đồng nghiệp của tôi chỉ kịp buông câu: “Ai lại để chú làm một mình như thế?”, rồi lôi xềnh xệch tôi đến hỗ trợ chú (dù thực ra là chẳng làm được gì nhiều).

Chú cứ nói khỏe vậy thôi, nhưng “cái tuổi nó đuổi xuân đi”, rồi cái xuân nó lại đuổi cái sức chạy miết mải. Để rồi, cái sống lưng “không chịu nghe lời” đã hành chú cả tháng trời. Sau cái đận ấy, tôi thấy chú đã biết “Say No” mỗi khi “được” tin cậy giao cho những công việc nặng nhọc.

Nhìn chú làm việc, tôi lại nhớ đến những hình ảnh của các cụ già ở đất nước Singapore. Tôi may mắn được mở mang tầm mắt, được tìm hiểu văn hóa của đất nước Sư tử biển. Điều mà tôi ấn tượng nhất ở đất nước này, có lẽ là hình ảnh các cụ già làm thêm tại các trung tâm, các khu ẩm thực lớn. Nhìn họ làm việc, áp dụng lối suy nghĩ của người Việt Nam vào hoàn cảnh đó, tôi thấy họ thật đáng thương hại. Rồi lại dùng cái “đầu” của đứa ít học như tôi để đặt câu hỏi: “Sao con cháu lại để họ phải vất vả như vậy?”. Nhưng thật mừng bởi tôi biết tôi đã nhầm. Các cụ già thấy thấy vui, thấy hãnh diện vì được làm việc và được cống hiến. Còn làm được là họ còn thấy mình có ích cho đời, cho người và cho chính bản thân mình. Và chú – một người của thế hệ trước nhưng đã có những suy nghĩ còn hiện đại hơn cả thế hệ trẻ như tôi. Khi được hỏi, sao chú có tuổi rồi vẫn làm những công việc nặng nhọc này, chú bình thản cười đáp: “Làm việc để biết mình còn có ích”.

Khi tôi ngồi viết những dòng này cũng là lúc chú vừa tròn tuổi “lục tuần” – cái tuổi mà Luật pháp Việt Nam cho phép chuyển đổi sang công việc “ở nhà trồng rau, nuôi gà”. Ngày làm việc cuối cùng của chú, vẫn bàn tay ấy, vẫn nụ cười ấy, vẫn cái cách chào như con nhà binh ấy nhưng tôi thấy rõ sự hụt hẫng. Lẽ ra phải nên mừng, nên vui vì chú sắp có nhiều thời gian để chăm chút sức khỏe cho bản thân. Và tôi biết có nhiều người cũng cùng chung tâm trạng hụt hẫng ấy khi nhìn đôi mắt cười buông câu nói: “Khi nào có việc gì cần, làm được, cứ gọi chú”.
Để rồi giờ đây, mỗi khi có ai đó bảo: “Chị làm mất chìa khóa tủ rồi, gọi cho ai để sửa ấy nhỉ?”, “Cái quạt của Ban mình bị nghẹo cổ rồi”…, tôi bỗng thấy ngẩn ngơ và vắng lạ!