Cập nhật mới nhất về dự án hơn 225 tỷ đồng của HiPT

Kể từ ngày ký kết đến nay, dự án lớn nhất của HiPT với trị giá 9 triệu euro đã triển khai được hơn 3 năm. Chắc rất nhiều HiPTer quan tâm và muốn biết tình hình và tiến độ của dự án này?

Có trị giá 9 triệu euro (khoảng hơn 225 tỷ đồng), dự án “Hệ thống Quản lý dân cư thành phố Hải Phòng” là dự án lớn nhất từ trước tới nay của HiPT. Đây là dự án liên doanh giữa HiPT với PSH và AAM (Hunggary), được ký quyết định thành lập vào ngày 1/4/2013.

Không những mang về doanh thu lớn, dự án quản lý dân cư (QLDC) Hải Phòng còn là niềm tự hào của HiPT bởi đây là dự án chính thống duy nhất của toàn quốc về QLDC. Dự án sẽ giúp thành phố Hải Phòng hiện đại hóa – điện tử hóa các thủ tục hành chính cho các nghiệp vụ quản lý dân cư. Dự này có thể coi là dự án thí điểm, tiên phong để triển khai QLDC Quốc gia bởi trước đó cũng có một vài địa phương đã triển khai nhưng chỉ là manh mún, không chính thống và tự phát.

15034298_1542023082481183_1429321157_o
Các thành viên dự án QLDC đang thực hiện tại Hải Phòng

Theo chia sẻ của anh Vũ Mạnh Hiếu – Phó Giám đốc Trung tâm Phần mềm, do Hải Phòng là thành phố trung ương và trăn trở với công tác QLDC từ lâu (số lượng nhân khẩu thường trú, tạm trú lớn) nên quá trình triển khai dự án của HiPT khá thuận lợi và nhận được sự hỗ trợ tận tình từ chủ đầu tư cũng như đơn vị thụ hưởng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, với phần triển khai hạ tầng, anh Đinh Việt Dũng – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nhớ lại, dù được tạo điều kiện nhưng do đặc thù máy chủ và hệ thống cần đặt tại bộ công an, sở công an Hải Phòng nên nhiều lúc thủ tục hành chính còn phức tạp, bị ảnh hưởng đến tiến độ.

Nói về việc triển khai thiết bị phần cứng cũng như hạ tầng, anh Dũng cho biết thêm, Trung tâm Kỹ thuật đã hoàn thiện việc lắp đặt, chạy thử nghiệm và bàn giao từ cuối năm 2014. Từ năm 2015 đến nay, trung tâm này bắt tay phối hợp cùng Trung tâm Bảo hành để hỗ trợ bảo trì, bảo hành trang thiết bị phần cứng khi xảy ra lỗi hoặc có sự cố kỹ thuật. “Máy chủ được đặt ở Bộ Công an – nơi có môi trường tốt không sao. Nhưng với các thiết bị cấu hình con được trải đều cho 15 quận/huyện với 223 xã/phường thì tần suất hoạt động và điều kiện bảo quản thiết bị sẽ không tốt như trung ương. Môi trường tại các phòng ốc cũng như trình độ chuyên môn của từng nơi lại khác nhau, do đó việc bảo hành hay hỗ trợ cho dự án diễn ra thường xuyên và phức tạp hơn nhiều so với các dự án trước đây”, anh Dũng nhận định trước những khó khăn.

Riêng về phần mềm, theo tên gọi thì dự án có khoảng 20 sản phẩm nhưng thực tế còn lớn hơn do một số phần mềm được áp dụng ở nhiều cấp khác nhau (C72, PC64, quận/huyện, phường/xã/thị trấn). Cách ứng dụng và quản lý theo đó cũng khác nhau nên một phần mềm có thể được xây dựng thành nhiều phiên bản khác nhau.

Tính đến nay, về cơ bản trung tâm này đã hoàn thành xong 20 phần mềm cùng các phần mềm phân cấp khác. “Hiện nay, phòng anh đang hoàn thiện nốt phần mềm “Cấp mã số định danh cá nhân” để tiến hành nghiệm thu dự án. Cùng với đó, Trung tâm đã thống nhất được với C72 về việc bổ sung thêm danh mục “Quốc gia” trong các phần mềm. Dự kiến sau 20/11/2016 dự án sẽ được nghiệm thu và tổng kết”, Phó Giám đốc Trung tâm Phần mềm cho hay.

Chia sẻ về những khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai dự án, anh Hiếu kể, yêu cầu bài toàn liên tục bị thay đổi bởi luật (cái này nằm ngoài kiểm soát và hiện giờ vẫn đang thay đổi), trong khi mỗi đơn vị lại có một “bản sắc” riêng nên khó dung hòa và cần phải bổ sung thêm khá nhiều tính năng so với ban đầu để đáp ứng. Hơn nữa, công nghệ mới nên giai đoạn đầu anh em vừa làm vừa tìm hiểu. Anh bâng khuâng, “Nếu duy trì được 50% quân số như ban đầu, thêm một chút quan tâm từ lãnh đạo các cấp thì dự án này đã có thể hoàn thành ít nhất từ 6 tháng trước”.

                                                                                                                               MUN – MẬP