Bao giờ cho đến… ngày xưa?

– Chú biết đá bóng không?

– Em có chứ!

– Lần gần đây nhất đá bóng là bao giờ?

– Cách đấy 25 năm ạ!

Ôi…! Cứ nghĩ đến mấy câu đối thoại này mà cái mồm thì cười còn cái mặt tôi thì mếu. Ông “ẻm” năm nay vừa tròn 26 tuổi, trả lời buổi “tuyển cầu thủ” mà cứ như trả lời phỏng vấn “xin việc” ý, hết sức thong thả, gọn gàng và tự nhiên như… hơi thở.

Đấy, cứ bảo anh em không máu lửa, không hào hứng, không nhiệt tình đi, người ta 25 năm chưa đá trận bóng nào mà còn ứng cử tham gia đội bóng thế mà mấy bác mới có vài năm không đá thì cứ chối đây đẩy. Nào thì: “Anh giờ chỉ đá bóng dưỡng sinh thôi”, “Con nhỏ, vợ ép lắm nên anh phải cố đá đấy”, “Thế đá xong có uống bia không anh, nếu có thì em đi uống bia nhé”… muôn vàn cái lý do để từ chối.

Nghĩ đến lại thấy buồn, quân số Trung tâm Phần mềm thì đông nhất công ty, nam giới thì chiếm đến 80% nhưng tự nguyện đăng ký tham gia giải bóng đá của công ty chỉ vỏn vẹn 8 người. Động viên thì thêm được 3 người nhưng lại bỏ mất 3 người (buồn ơi là sầu); mà hầu hết cũng đều toàn người gọi là “biết đá”. ‘Dưng’ mà thôi, cũng được, đủ người đá là ngon rồi; cứ nhiệt tình ra sân là ngon rồi; cố gắng tham gia đầy đủ giải để gây dựng phong trào thể thao, phong trào văn hóa…

Mà tự dưng lại nhớ đến “ngày xưa”: 1 năm 2 giải Bóng đá, giải Bơi có, Tennis có, giao lưu thể thao với các đơn vị khác năm nào cũng có. Đấy mới chỉ là thể thao thôi, còn hàng loạt các sự kiện văn hóa khác như: Thi nấu ăn, hội chợ ẩm thực, ngày hội gia đình, chuỗi các sự kiện 186… lần nào cũng thu hút đông đảo anh chị em tham gia. Nhiệt lắm, máu lắm mà toàn tự nguyện, tự giác và tự muốn… “cống hiến” thôi.

Bao-gi-cho-den-ngay-xua-1
Hình ảnh các CĐV nữ hết mình cổ động tại một giải bóng của HiPT năm 2005.

Nhớ đến những “mùa 186”, dù cuối giờ làm rồi, anh chị em vẫn hô hào nhau lên tầng 5 tập luyện đến nỗi chẳng còn chỗ. Khi chơi team building thì các đội tranh cãi nhau nảy lửa, ăn thua nhau từng điểm một khiến trọng tài phải đần mặt ra không biết phân xử thế nào, thậm chí có ông bị ném xuống nước không thương tiếc. Nhớ những buổi đá bóng xong anh em tụ tập hết cùng về một chỗ, khi thì Ngọc Hà, khi thì Hoàng Diệu… chuyện trò rôm rả đến tận tối.

Còn bây giờ, hô to, hô nữa thì cũng chỉ lẻ tẻ vài người mà toàn gương mặt thân quen, gương mặt mới chẳng thấy đâu. Thế mới thấy tinh thần phong trào thể thao, tinh thần văn hóa của HiPT bây giờ nó cứ “nguội nguội” thế nào ý. Ừ thì có cơ chế nhé, có chính sách nhé, các sếp quản lý trực tiếp cũng rất tạo điều kiện để mọi người tham gia nhé… nhưng mà chả hiểu sao mỗi lần có sự kiện, dù các “key phong trào” đi hô hào, lôi kéo mà chẳng có mấy người “nhào vô”. Nếu có máu lửa tham gia lại vẫn là những gương mặt quen, những người bị “nhẵn mặt”. Chẳng hiểu bao nhiêu gương mặt mới đâu hết?

Biết ai cũng có những công việc riêng, cũng biết không phải ai cũng sẵn sàng tham gia. Thậm chí cũng biết có nhiều người suy nghĩ, đây là nơi làm việc vậy thì cứ làm tốt công việc của mình là được;  việc làm phong trào hay tham gia phong trào là của những bộ phận, những người khác… Có muôn vàn lý do để mọi người tặc lưỡi, thờ ơ với việc xây dựng phong trào, xây dựng văn hóa công ty.

Bao-gio-cho-den-ngay-xua-2
Đội bóng HiPT giành chức Vô địch Giải bóng đá IT Bank Open khi lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2006.

Nhưng nếu tự bản thân mỗi người tự trói mình vào những lý do đó thì có lẽ việc xây dựng phong trào, xây dựng văn hóa của HiPT là việc bất khả thi. Kể cả có ép, có đưa việc tham gia hoạt động văn thể vào KPI đánh giá cũng không có nhiều tác dụng. Và rồi thì sao, mỗi chúng ta sẽ được sống trong một môi trường làm việc “chuyên nghiệp”: sáng đến làm, tối đi về, tình đồng nghiệp chỉ đơn giản là trao đổi công việc? Để đôi khi, người ngồi cạnh nghỉ ốm, chúng ta cũng chẳng biết; hay một người bạn hỏi chúng ta “Công ty mày như thế nào?”, thì câu trả lời có thể sẽ là:“Cũng như các chỗ khác thôi, suốt ngày làm việc. Chả có phong trào gì cả.” Chúng ta dành 8/24h để làm việc, hãy biến nơi làm việc thành nơi tạo cho ta hứng khởi để làm việc, thành một gia đình thứ 2 của mỗi chúng ta, chứ không phải nơi chúng ta nghĩ đến chỉ là: CÔNG VIỆC.

Oài, lại bị lan man, nhiều lời rồi. Túm cái váy lại, rất mong mỏi mỗi chúng ta, mỗi thành viên HiPT bỏ bớt những lý do, tự cho bản thân mình có cơ hội hòa mình vào phong trào của HiPT. Hãy tham gia khi có thể, hãy hỗ trợ, ủng hộ khi được kêu gọi…

Có thể chúng ta không gắn bó với HiPT cả đời, có thể chúng ta sẽ rời HiPT vì nhiều lý do khác nhau nhưng trong mỗi chúng ta đều nghĩ về HiPT như một “ngôi nhà”, với những quãng thời gian đẹp đẽ chứ không nhạt nhòa. Và nếu có cơ hội gặp người HiPT, hoặc cựu HiPT, bản thân mỗi chúng ta sẽ thấy như gặp lại “người thân”…

MẠNH HƯNG

Công ty Cổ phần Tập đoàn HiPT – hipt.vn